Bài viết mang đến thông tin thực tế về những loại thực phẩm được cho là “kỵ nhau” có thể gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Đồng thời, những loại thực phẩm mà bạn nên kết hợp để tối ưu hóa dinh dưỡng cũng sẽ được đề cập đến trong bài viết này.
Thực phẩm kỵ nhau được chứng minh
Óc lợn kỵ với trứng gà
Cùng ăn hai loại thực phẩm này có thể tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Nguyên nhân là vì óc lợn và trứng đều là thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Hai món này kết hợp có thể khiến cơ thể nhiều cholesterol xấu, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh mạch vành tim.
Caffein, nước tăng lực và bia rượu
Những thực phẩm không nên kết hợp với nhau là bộ đôi bia rượu và caffein, hoặc bia rượu và nước tăng lực. Theo khuyến cáo, khi bạn trộn rượu với caffein, caffein có thể gây tỉnh rượu “giả”. Điều này khiến người uống rượu nghĩ rằng họ vẫn tỉnh táo. Cảm giác “đánh lạc hướng” làm tăng nguy cơ bị các tác hại do rượu gây ra như: tai nạn, mất bình tĩnh, nôn nao do say,…
Ngoài ra, kết hợp nước tăng lực và bia rượu có thể khiến bạn bị say nhanh hơn bình thường. Uống quá nhiều bia rượu cùng lúc cũng có thể dẫn đến ngộ độc cồn.
Lầm tưởng về những loại thực phẩm kỵ nhau
Chế độ ăn lành mạnh luôn khuyến khích bạn đa dạng hóa chế độ ăn uống bằng nhiều loại thực phẩm lành mạnh. Việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, như protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất, sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe và hoạt động của cơ thể.
Tuy nhiên, một số nguồn tin đề cập đến những món ăn kỵ nhau gây khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, thậm chí gây ngộ độc do các phản ứng hóa học khi kết hợp thực phẩm sai cách. Sau đây là những lầm tưởng về các thực phẩm kỵ nhau và sự thật mà bạn nên biết:
1. Gan và giá đỗ kỵ nhau
Lầm tưởng: Theo một số nguồn tin, vitamin C có nhiều trong giá đỗ có thể bị oxy hóa do phản ứng với vitamin A và các khoáng chất như đồng, sắt, kẽm có trong gan lợn. Ngoài ra, hai chất cellulose và axit oxalic trong giá đỗ khi kết hợp với gan lợn có thể gây ra rối loạn quá trình hấp thụ sắt của cơ thể.
Gan và giá đỗ có thật sự là thực phẩm kỵ nhau? Những thông tin này không có cơ sở khoa học. Nghiên cứu đã chỉ ra vitamin C có thể giúp cơ thể tăng cường hấp thu sắt nonheme . Ngoài ra, vitamin A và C chỉ tương tác trong cơ thể khi dùng ở liều cao, đồng thời không có bằng chứng khoa học cho thấy thực phẩm chứa vitamin A có thể gây oxy hóa vitamin C.
Về cellulose và axit oxalic ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt trong cơ thể không đáng kể để gây ngộ độc hoặc giảm giá trị dinh dưỡng trong món ăn. Thứ nhất, lượng sắt bị ảnh hưởng bởi cellulose là rất ít. Thứ hai, hàm lượng axit oxalic trong giá đỗ có thể bị giảm khi bạn ngâm trong nước hoặc nấu chín.